TỔNG QUAN TRẬT KHỚP CÙNG ĐÒN VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

  1. Giải phẫu khớp cùng đòn và các cấu trúc liên quan 1.1. Các yếu tố giữ vững tĩnh khớp cùng đòn: Dây chằng cùng đòn (trước, sau, trên...

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

U mỡ

U mỡ

Lipoma là khối u nội sinh xảy ra do sự phát triển quá mức của các tế bào mỡ. Đây được xem là khối u lành tính, tuy nhiên có thể phẫu thuật loại bỏ khi lipoma gây đau, biến chứng hoặc gây ra các triệu chứng khác. Lipoma có thể hình thành ở bất cứ nơi nào trên cơ thể có sự hiện diện của các tế bào mỡ, tuy nhiên chúng có xu hướng xuất hiện trên vai, ngực, thân, cổ, đùi và nách. Trong những trường hợp ít gặp hơn, lipoma hình thành trong các cơ quan nội tạng, xương hoặc cơ bắp. Lipoma mềm và có thể di chuyển nhẹ dưới da khi tác động. Chúng phát triển chậm trong khoảng dài và thường đạt kích thước khoảng 2 - 3 cm. Một số trường hợp hợp khối lipoma khổng lồ có thể phát triển đến hơn 10 cm.



I.               NGUYÊN NHÂN

Hiên chưa rõ nguyên nhân nào gây ra tình trạng trên. Nhiều nhà khoa học nhận định rằng một số gia đình có gen di truyền có nhiều nguy cơ hình thành lipoma hơn. Tình trạng này được gọi là lipomatosis gia đình tuy nhiên rất hiếm gặp. Lipoma có tỉ lệ xuất hiện cao hơn ở những người có một số tình trạng bệnh lý cụ thể chẳng hạn như:

  • Hội chứng Gardner;
  • Hội chứng Cowden;
  • Bệnh Madelung;
  • Adiposis dolorosa (U mỡ đau).

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng một số lipoma có thể là kết quả của chấn thương gây tác động đáng kể đến một khu vực trên cơ thể.

II.            TRIỆU CHỨNG

Khối lipoma mềm và có thể di chuyển nhẹ dưới da khi tác động. Lipoma thường không đau và không gây ra các triệu chứng trừ khi chúng ảnh hưởng đến khớp, các cơ quan, dây thần kinh hoặc mạch máu.

Trường hợp lipoma hình thành sâu bên trong có thể gây áp lực lên các cơ quan nội tạng hoặc dây thần kinh và gây ra các triệu chứng liên quan. Ngoài ra nếu u mỡ có kích thước to và xuất hiện ở các khu vực có nhiều dây thần kinh như đầu cổ, vai, gáy cũng sẽ khiến bệnh nhân đau đớn.. Ví dụ, lipoma trên hoặc gần ruột có thể gây các triệu chứng như buồn nôn, nôn và táo bón.

 


III.         YẾU TỐ NGUY CƠ

Lipoma khá phổ biến trong cộng đồng. Các chuyên gia ước tính rằng khoảng 1% số người được phát hiện có lipoma. Lipoma cũng có nhiều khả năng xuất hiện hơn ở những người từ 40 đến 60 tuổi hay có gen lipomatosis gia đình. Các yếu tố nguy cơ khác hình thành lipoma có thể bao gồm:

  • Béo phì;
  • Cholesterol cao;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Bệnh gan;
  • Không dung nạp lượng đường.

IV.          CHẨN ĐOÁN

Thường có thể chẩn đoán lipoma qua thăm khám lâm sàng thông thường. Nếu lipoma lớn hoặc đau, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các kỹ thuật, xét nghiệm khác để kiểm tra để loại trừ ung thư như:

  • Sinh thiết;
  • Siêu âm;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI);
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan).

Thông thường để phát hiện u mỡ bác sĩ có thể thông qua khám lâm sàng, tuy nhiên với những trường hợp u mỡ ở trong các cơ quan nội tạng sẽ khó phát hiện. Do vậy  khám lâm sàng khó để phát hiện chính xác u mỡ. Hiện nay một trong những phương pháp chẩn đoán mang tính hiệu quả cao đó là siêu âm u mỡ.

Siêu âm u mỡ là phương pháp không xâm lấn, chẩn đoán hình ảnh bằng cách sử dụng sóng siêu âm để xây dựng hình ảnh của các u mỡ  trong cơ thể người. Thông qua phương pháp siêu âm bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh nhân có bị u mỡ hay không. Ngoài ra siêu âm còn giúp xác định được vị trí, kích thước khối u, tình trạng mô xung quanh.

V.             ĐIỀU TRỊ 

Lipoma thường vô hại, vì vậy hầu hết không cần phải phẫu thuật. Một số trường hợp có thể loại bỏ lipoma nếu:

  • Là ung thư;
  • Lipoma lớn hoặc tăng trưởng nhanh;
  • Gây ra các triệu chứng khó chịu;
  • Tác động đến các chức năng bình thường của cơ thể;
  • Ảnh hưởng đến thẩm mỹ.


Phẫu thuật: Sau khi siêu âm nếu được bác sĩ chẩn đoán chính xác là u mỡ, tùy từng trường hợp và tình trạng của u mỡ sẽ đưa ra quyết định có điều trị hay không. Nếu u mỡ lành tính sẽ không  cần phải điều trị. Chỉ những trường hợp các khối u phát triển nhanh, gây đau hoặc có kích thước lớn hơn 5cm gây nguy hiểm mới cần điều trị.

Phẫu thuật gây tê để loại bỏ lipoma kích thước nhỏ được tiến hành một cách dễ dàng và nhanh chóng. Với các khối lipoma lớn hơn có thể cần sử dụng thêm phương pháp hút mỡ. Sau phẫu thuật, mẫu mô được gửi đi phân tích nhằm sàng lọc ung thư nếu có. Phẫu thuật này thường sẽ chỉ để lại một vết sẹo nhỏ sau khi vết thương đã lành

          Chích Steroid: Đây cũng là phương pháp điều trị u mỡ được nhiều người lựa chọn. Chích Steroid tuy không gây đau đớn nhưng nhược điểm của nó là không thể làm u mỡ mất đi hoàn toàn.

          Hút mỡ: Hút mỡ thường được áp dụng trong việc giảm béo, tuy nhiên nó cũng là 1 trong những phương pháp điều trị u mỡ. Bệnh nhân sẽ được hút mỡ ở những khu vực dễ tiếp cận có u mỡ to.

Hiện nay hầu hết các bệnh viện và cơ sở y tế đều có thể thực hiện siêu âm u mỡ. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, hiệu quả, cho kết quả chính xác người bệnh nên lựa chọn thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế uy tín, chất lượng.


Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

 

                    Loét do tì đè (loét điểm tì )

I.               ĐỊNH NGHĨA

Loét do tì đè là tình trạng hoại tử tổ chức nằm giữa xương và vật có nền cứng. Các điểm loét tì đè thường hình thành ở những chỗ da bám sát vào xương như mắt các chân, gót chân, khuỷu tay, mông và hông của những người hay phải nằm ngồi bất động trên giường hoặc xe lăn…

II.             NGUYÊN NHÂN

-        Do chèn ép: những bệnh nhân nằm lâu trên giường, các điểm tì đè không được theo dõi chăm sóc gây thiếu máu cục bộ do chịu lực chèn ép từ ngoài vào lớn hơn 32mmHg(áp suất vi quản động mạch) trong khoảng thời gian kéo dài. Sự đè nén lên vùng mô dưới da và cơ sẽ làm xẹp các mao mạch và mạch bạch huyết dẫn tới sự thiếu máu cục bộ(ischemia). Khi thiếu máu cục bộ, tính thấm mao mạch sẽ tăng lên, dịch nội quản sẽ tràn ra ngoài vào gian bào, gây phù cục bộ và giết chết tế bào vùng . Một cơ chế quan trọng trong loét do đè nén là SHEAR.( sự xé toạc mô) xãy ra khi da đi một đường còn mô dưới da đi một ngả. Điều này thấy rõ nhất khi đặt bệnh nhân ngồi dựa 30 độ

-        Do thần kinh: tổn thương thần kinh (TBMMN, chấn thương cột sống, liệt tủy.. ) gây liệt, giảm vận động. ảnh hưởng tới cảm giác, dinh dưỡng, trương lực mô, làm nhanh quá trình hình thành loét

-        Do dinh dưỡng; loét hình thành nhanh và nặng lên ở những bệnh nhân già suy kiệt, suy dinh dưỡng, thiếu máu..

-        Do độ ẩm và áp lực: Brown Sequard đã chứng minh thực nghiệm độ ẩm và áp lực là hai yếu tố chính gây nên loét tì đè. Độ ẩm ướt làm mòn da khi có tăng áp lực sẽ phá vỡ cấu trúc da và hình thành ổ loét. Nước tiểu và phân là hai nguồn chính tạo độ ẩm cho da làm tăng nguy cơ tạo loét và nhiễm trùng

-        Do nhiễm khuẩn: các vết loét sẽ nặng nề hơn nếu có tình trạng nhiễm khuẩn

-        Nguyên nhân khác: chăm sóc không đúng cách, vệ sinh cá nhân kém…

III.            PHÂN LOẠI

Theo NPSAP (National pressure sore advisory panel consensus - 1989) phân loại loét tì đè làm 4 giai đoạn.







IV.           YẾU TỐ NGUY CƠ


Gồm có yếu tố ngoại sinh và yếu tố nội sinh (vật chủ).

Đánh giá nguy cơ loét tì đè dựa vào bảng điểm BRADEN.

Bao gồm 6 tiêu chuẩn:

1.     Nhận thức cảm giác

2.     Độ ẩm

3.     Hoạt động

4.     Cử động

5.     Dinh dưỡng

6.     Cọ xát và kéo dãn

 


 


V.             ĐIỀU TRỊ

1.     NỘI KHOA.

- Thường loét giai đoạn 1,2 chưa có dấu hiệu nhiễm trùng

- Xoay trở mỗi 2 h

- Nằm nệm hơi

- Giữ vết loét khô sạch

- Thay băng đúng cách

- Thuốc: kháng sinh, kháng viêm…

*** Mật ong là một cách chữa cổ xưa để điều trị các vết thương không bị nhiễm trùng và bị nhiễm trùng, mà gần đây đã được "khám phá lại" bởi các chuyên gia y tế, đặc biệt là khi mà các tác nhân điều trị thông thường hiện đại thất bại. Hiện nay có rất nhiều báo cáo đã được công bố mô tả hiệu quả của mật ong trong việc làm sạch nhanh chóng nhiễm trùng ở vết thương, mà không có tác dụng phụ làm chậm quá trình lành vết thương; cũng có một số bằng chứng gợi ý rằng mật ong có thể tích cực thúc đẩy quá trình lành vết thương. Trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, mật ong đã được chứng minh có tác dụng kháng khuẩn chống lại một phổ rộng các vi khuẩn và nấm. Tuy nhiên, cần các nghiên cứu sâu hơn để sử dụng tối ưu hiệu quả của tác nhân này trong thực hành lâm sàng.

2.     NGOẠI KHOA.

-        Loét giai đoạn 3,4

-        Nguyên tắc: nâng đỡ thể trạng, bù dịch, phẫu thuật khi bệnh nội khoa ổn định

-        Nguyên tắc phẫu thuật: cắt lọc, làm sạch vết loét. Che phủ càng sớm càng tốt. hướng dẫn chăm sóc vết mổ tránh nhiễm trùng và ngừa loét tái phát

-        Xử trí vế-t loét : nhét gạc khi có khoang (cavity), còn gọi là khoảng chết. Cắt lọc mô hoại tử và vẩy chết khi cho phép

NPWT (ĐIỀU TRỊ VẾT THƯƠNG BẰNG ÁP LỰC ÂM= NEGATIVE PRESSURE WOUND THẺAPY) hay VAC (vacuum assisted closure) : đối với  vết loét lớn và sâu, điều trị vết thương bằng áp lực âm làm vết thương lành nhanh hơn. Trong phương pháp này, khoảng chết của vết thương được nhét bằng nệm xốp đặc biệt, toàn bộ vết thương được bịt kín bằng phim dán và hút chân không liên tục hay gián đoạn bằng một chiếc máy nhỏ mang theo người. Dịch tiết sẽ được hút vào một bình nhỏ(canister) gắn kèm máy. Đây là một trong những phương pháo hiệu quả nhất và nhanh nhất

-        Tác dụng của VAC: giảm dịch tiết, giảm phù nề tại chỗ

Giảm nhiễm khuẩn

Co hẹp vết thương có tính cơ học

 

-        Chống chỉ định NPWT: loét do ung thư, vùng loét bên dưới bị viêm xương tủy hay có mạch máu lớn, rối loạn đông máu

v  Điều trị loét giai đoạn 1: nâng đỡ thể trạng

Giảm áp lực tì đè

v  Điều trị loét giai đoạn 2: nâng đỡ thể trạng

Giảm áp lực tì đè

Chăm sóc vết loét : loại bỏ mô hoại tử, rửa vết thương, đắp gạc hydrogel, kháng sinh

v  Điều trị loét giai đoạn 3: GĐ 2 + áp lực âm + ngoại khoa

v  Điều trị loét giai đoạn 4: GĐ 3 + Ngoại khoa

v  Điều trị tổn thương nghi ngờ sâu : rửa bằng nước muối sinh lí, thay băng mỗi ngày

Giảm áp lực tì đè

Kháng sinh

Xịt thuốc gồm dầu castor/ balsam/ peru/ trypsin

v  Điều trị loét không thể phân giai đoạn : rửa bang nước muối sinh lí, gạc hydrogel không dính, thay băng mỗi ngày

Giảm áp lực tì đè, kháng sinh

Xịt thuốc

Cắt lọc vết loét

 

VI.           PHÒNG NGỪA

-        Đóng vai trò đặc biệt quan trọng

-        Vệ sinh sạch sẽ

-        Xoay trở mỗi 2 h

-        Nằm nêm hơi : chèn gối vào những nơi xương tì lên giường như gót, mắt cá chân, gối, xương chậu, khuỷu , vành tai...

-        Massage nhẹ vùng tì đè, theo dõi các dấu hiệu dọa loét

-        Vật lí trị liệu

-        Dinh dưỡng hợp lí

VII.         BIẾN CHỨNG

-        Nhiễm trùng

-        Bung vết khâu

-        Hoại tử vạt

-        Tái loét

-        Ung thư hóa vết loét mãn tính

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Procalcitonin - PCT

PROCALCITONIN

I.              KHÁI QUÁT

Theo đánh giá tại hội nghị về Nhiễm khuẩn huyết tại Canada lần thứ 5 (tháng 10 năm 2000), người ta phân loại các marker sinh học được sử dụng trong chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, trong đó Procalcitonin (PCT) được đánh giá cao nhất, sau đó là các markerInterleukin 6 (IL-6), Endotoxin, C- Reactive Protein (CRP)... trên cả ba tiêu chuẩn về chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi nhiễm khuẩn. Nồng độ IL-6, CRP có thể tăng thoáng qua bởi nhiều kích thích khác hơn là nhiễm khuẩn, còn Endotoxin không cho biết mức độ nặng của quá trình viêm...trong khi PCT có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với các marker khác. Đây là một marker đặc hiệu cho nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết. Nó được sản sinh chuyên biệt bởi nhiễm trùng không do virus, không bị ảnh hưởng bởi nhiễm virus hoặc các đáp ứng tự miễn khác, nồng độ PCT trong máu độc lập với chức năng thận. Nồng độ PCT thấp có giá trị tiên lượng âm tính cao để loại trừ nhiễm khuẩn huyết và ngược lại, nồng độ PCT cao khẳng định chẩn đoán nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn nhất là khi có rối loạn chức năng các cơ quan, hậu quả của quá trình viêm toàn thân, suy đa tạng.


Procalcitonin (PCT) là tiền chất của hormon calcitonin, được cấu tạo từ 116 acid amin. PCT thường được sản xuất bởi các tế bào C trong tuyến giáp và hiện diện trong máu với nồng độ thấp. Tuy nhiên, nó cũng có thể được sản xuất bởi các tế bào khác trong cơ thể như tế bào gan, phổi, monocyte... khi bị kích thích bởi một tổn thương nặng, đặc biệt trong nhiễm khuẩn toàn thân. Nội độc tố vi khuẩn, cytokin tiền viêm, IL-6 và TNF-α là những dẫn chất chính trong cơ chế tăng sinh PCT, nhưng nơi tổng hợp và giải phóng PCT chủ yếu vẫn là tại gan. Trong huyết tương, procalcitonin có thời gian bán hủy từ 19 đến 24 giờ.

So với các marker khác, PCT có tính đặc hiệu cao khi đáp ứng với nhiễm khuẩn toàn thân nặng. Trong nhiễm khuẩn, nồng độ PCT sẽ gia tăng sau khoảng 2 giờ, trong khi đó CRP bắt đầu tăng sau khoảng 6 giờ. Với ưu điểm về động học như vậy nên PCT thích hợp được sử dụng để hướng dẫn điều trị và đánh giá tiên lượng bệnh. Khi tình trạng nhiễm khuẩn được hồi phục, PCT sẽ quay trở lại giá trị bình thường trong vài ngày.

 Hiện nay, procalcitonin được định lượng bằng phương pháp Miễn dịch điện hóa phát quang ECLIA (electrochemiluminescence immunoassay) trên các máy phân tích miễn   dịch hoàn toàn tự động của Roche.

II.            CHỈ ĐỊNH

Procalcitonin (PCT) là một xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán và theo dõi tình trạng viêm do nhiễm khuẩn được chỉ định:
- Chẩn đoán phân biệt viêm do nhiễm khuẩn và viêm không do nhiễm khuẩn.
- Theo dõi các bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn, phát hiện các nhiễm khuẩn ảnh hưởng hệ thống hoặc các biến chứng của nhiễm khuẩn, đặc biệt trong nhiễm khuẩn huyết.
- Đánh giá tiên lượng và diễn biến của các bệnh viêm nặng như viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn, hội chứng đáp ứng viêm hệ thống và hội chứng suy đa tạng.
- Chỉ dẫn, đánh giá hiệu quả sử dụng kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn.

 

Giá trị nồng độ PCT được khuyến cáo theo Hiệp hội nhiễm khuẩn Đức năm 2006 (xuất bản các hướng dẫn cho chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn) như sau:
1. Giá trị bình thường: PCT < 0,05 ng/ml
2. PCT < 0,10ng/ml: Không chỉ định dùng kháng sinh
3. PCT < 0,25ng/ml: Không khuyến cáo dùng kháng sinh, nếu trị liệu giảm xuống mức này thì tiếp tục dùng cho hiệu quả.
4. PCT > 0,25ng/ml: Khuyến cáo và cân nhắc sử dụng kháng sinh.
5. PCT > 0,50 ng/ml: Chỉ định kháng sinh là bắt buộc.
6. PCT 0,50 - 2,0 (ng/ml): Nhiễm khuẩn do đáp ứng viêm hệ thống, nguyên nhân có thể là chấn thương, phẫu thuật sau chấn thương, sốc tim...
7. PCT 2,0 - 10 (ng/ml): Đáp ứng viêm hệ thống nghiêm trọng (SIRS), nguyên nhân bởi nhiễm trùng hệ thống và nhiễm khuẩn huyết, chưa có suy đa tạng.
8. PCT > 10 ng/ml: Đáp ứng viêm hệ thống sâu do nhiễm khuẩn huyết nghiêm trọng hoặc sốc nhiễm khuẩn.

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

 RICE- Phương pháp sơ cứu và điều trị cơ bản các chấn thương thể thao

RICE là biện pháp sơ cứu ban đầu thông dụng nhất trong các chấn thương thẻ thao như bong gân, trật khớp, rách cơ... Nếu thực hiện đúng trong vòng 1- 2 ngày đầu có thể làm rút ngắn thời gian lành vết thương. Biện pháp này giúp giảm đau, giảm sưng, bảo vệ mô bị sang chấn 

RICE bao gồm:

- REST ( nghỉ ngơi): rất quan trọng, cần thực hiện ngay sau khi chấn thương vì 2 mục đích. Thứ nhất giúp tránh thêm những tổn thương khác cho cơ, dây chằng và mô khác đang bị tổn thương. Thứ 2 giúp cơ thể có đủ năng lượng cần thiết để tự chữa lành vết thương hiệu quả

- ICE( chờm đá): sau chấn thương dù nặng hay nhẹ cũng nên chờm đá lạnh ngay. Chờm lạnh bằng cách dùng nước đá đập thành cục nhỏ, cho vào túi nylon, đặt lên vùng bong gân sau khi đã phủ lên da 1 lớp khăn mỏng. Tránh để nước đá tiếp xúc trực tiếp lên da sẽ gây bỏng lạnh. nhiệt độ lạnh giúp giảm đau tức thời trong 1 thời gian ngắn, các mạch máu co lại giúp hạn chế sưng do giảm lưu lượng máu đến nơi tổn thương. Tuy nhiên cần nhớ là không nên chờm đá quá 15- 20 phút. Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh trong thời gian dài khiến da bạn dễ bị tỏn thương. 


 Tuyệt đối không xoa bóp, chờm nóng hoặc bôi gì khác (kể cả mật gấu), bôi dầu nóng vì sẽ làm giãn mạch làm tổn thương sưng to và lâu mới xẹp

- COMPRESSION (băng ép): băng ép vết thương lại giúp giảm sưng, đôi khi còn giúp giảm đau 


- ELEVATION (nâng lên) : nâng cao vết thương lên giúp giảm sưng. Hiệu quả nhất là khi nâng cao lên hơn so với tim. Ví dụ bị bong gân mắt cá chân, khi bạn nằm trên giường nên gác chân lên 1 hoặc 2 cái gối 

Việc áp dụng RICE nên thực hiện ngay sau bị chấn thương càng sớm càng tốt. Sau đó tùy theo mức độ tổn thương có thể nghỉ ngơi đơn thuần hoặc cần phải khám bác sĩ chuyên khoa và sử dụng thuốc hỗ trợ. 

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Bệnh lậu - Gonorrhea

1.      ĐẠI CƯƠNG
 1.1      Lịch sử bệnh: 
    Bệnh lậu là một bệnh nhiễm khuẩn, do song cầu Gram (-) Neisseria gonorhoeae gây nên. Bệnh thường lây trực tiếp qua quan hệ tình dục không bảo vệ đường âm đạo, hậu môn và sinh dục-miệng.
    Biểu hiện bệnh ở nam thường là viêm niệu đạo cấp tính, ở nữ là viêm cổ tử cung có thể có hoặc không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Các bộ phận khác cũng có thể bị nhiễm bệnh như hậu môn- trực tràng, họng, mắt... Nhiễm khuẩn huyết do lậu cầu cũng có thể xảy ra và thường phối hợp với viêm khớp, tổn thương da. Mặc dù đã có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng nếu không được phát hiện kịp thời hoặc điều trị không đúng phác đồ bệnh có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như vô sinh, chửa ngoài tử cung...
     Bệnh lậu được Galen đặt tên là Gonorrhea do ông nghĩ rằng mủ trong bệnh lậu chính là dòng tinh dịch chảy ra: gonos= seed và rhoea=flow. Năm 1879, Neisser đã phân lập được lậu cầu khuẩn và được đặt tên là Neisseria gonorhoeae.
      Việc điều trị tiến bộ dần từ việc dùng gỗ đàn hương, dung dịch thuốc tím bơm vào rửa niệu đạo, sau đó đến năm 1930 bắt đầu dùng các sulfamides. Những năm 1940 thuốc penixilin được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả. Gần  đây có nhiều loại thuốc dùng liều duy nhất có hiệu quả rất cao.
1.2 Dịch tễ: 
     Hàng năm trên toàn cầu có khoảng 62 triệu trường hợp mới mắc bệnh lậu, khu vực Đông và Đông Nam Á có 29 triệu trường hợp. Việt nam, theo báo cáo hàng năm có hơn 3.000 trường hợp, tuy nhiên theo ước tính thì có khoảng vài chục ngàn trường hợp mỗi năm. Bệnh lậu tăng lên do nhiều yếu tố, trong đó có tự do tình dục và tăng hoạt động tình dục do có các biện pháp tránh thai. Bệnh lậu chủ yếu lây qua quan hệ tình dục. Trẻ sơ sinh có thể bị viêm kết mạc mắt do đẻ qua đường sinh dục người mẹ bị bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở lứa tuổi 15-35. Bệnh gặp nhiều hơn ở đô thị, một số nhóm dân cư đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong dịch tễ học bệnh lậu (“core group”) như gái mại dâm, khách làng chơi, người nghiện ma tuý. Những người bệnh không triệu chứng đóng vai trò quan trọng trong dịch tễ học bệnh lậu. Một sự kiện quan trọng đã ảnh hưởng đến dịch tễ học bệnh lậu, đó là xuất hiện các chủng lậu cầu kháng kháng sinh Penixilin vào những năm 1970 (Penicillinase- producing strains of NG- PPNG). Hiện nay ở Việt nam đã xuất hiện các chủng kháng lại các kháng sinh mới thuộc họ Quinolone.
     Tỷ lệ nam giới bị mắc bệnh lậu sau một lần quan hệ tình dục qua âm đạo với phụ nữ bị bệnh là 20-30%. Trái lại, tỷ lệ phụ nữ bị bệnh sau một lần quan hệ tình dục với nam bị bệnh là 60-80%. Nguy cơ lây truyền qua các đường tình dục khác không được rõ. Phụ nữ dùng thuốc tránh thai hormon có nguy cơ cao hơn nhiễm bệnh, dùng chất diệt tinh trùng có tác dụng diệt lậu cầu.

2.      CĂN NGUYÊN VÀ BỆNH SINH
     Đặc điểm của lậu cầu: Lậu cầu khuẩn là một song cầu Gram (-) (Neisseria gonorhoeae) có hình thái đặc biệt, cầu khuẩn dẹt hình hạt đậu có trục dài song song nhau, không di động, không tạo nha bào, phát triển thành đôi với mặt dẹt quay vào nhau. Các đặc điểm của lậu cầu:
     - Hình hạt cà phê, sắp xếp thành từng cặp. Bắt màu Gram (-) nằm trong bạch cầu đa nhân. Dài khoảng 1,6m, rộng 0,8m, khoảng cách giữa hai vi khuẩn 0,1m. Nuôi cấy trên môi trường thạch máu hoặc nước báng phát triển nhanh. Hiện nay thường nuôi cấy trên môi trường Thayer-Martin và làm kháng sinh đồ.
     - Sức đề kháng yếu: ra khỏi cơ thể chỉ tồn tại một vài giờ.
     Lậu cầu không chịu được khô, do vậy khi lấy bệnh phẩm phải cấy ngay hoặc cho vào môi trường bảo quản. Lậu cầu ưa khí nhưng đòi hỏi áp suất CO2 5% khi nuôi cấy. Nhiệt độ thích hợp từ 35-37oC, pH 7,2-7,6.  Bệnh có thể phối hợp với một số tác nhân gây viêm niệu đạo khác, trong đó thường thấy nhất là Chlamydia trachomatis; các tác nhân khác như nấm, trùng roi, Ureaplasma, Mycoplasma.
 3.      TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
3.1  Bệnh lậu ở nam
     Viêm niệu đạo trước là biểu hiện thường gặp nhất của bệnh lậu ở nam. Sau một lần quan hệ tình dục với người bệnh qua đường âm đạo có khoảng 25% nam bị mắc bệnh. Có khoảng 85% nam bị viêm niệu đạo do lậu sẽ biểu hiện cấp tính với các triệu chứng khó chịu, đái buốt và ra mủ, thường kèm theo phù nề và đỏ miệng sáo. Ra mủ niệu đạo là một triệu chứng đặc hiệu của bệnh lậu, mủ màu vàng, vàng xanh, số lượng nhiều làm cho người bệnh rất lo lắng. Thời gian ủ bệnh từ 1-14 ngày, trung bình 2-5 ngày. Khoảng 25% bệnh nhân có triệu chứng không rõ, biểu hiện ra dịch niệu đạo nhưng không nhiều và màu trong, không phân biệt được với viêm niệu đạo không do lậu, một số trường hợp không có triệu chứng. Các bệnh nhân này sẽ không được điều trị và sẽ làm tăng lây truyền trong cộng đồng. Các bệnh nhân có triệu chứng nếu không điều trị thì sau vài ngày đến vài tuần sẽ giảm triệu chứng cấp tính và có thể xảy ra biến chứng tại chỗ như viêm niệu đạo sau gây đái són đau, viêm mào tinh hoàn, viêm túi tinh và tuyến tiền liệt cấp hoặc mạn, viêm tuyến Cowper, tuyến Tyson. Nhiều trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng bệnh lý rõ ràng. Tuy nhiên, dù có hay không có triệu chứng mà không được điều trị thì đều có thể xảy ra biến chứng.
3.2 Bệnh lậu ở nữ
      - Tỷ lệ nữ bị mắc bệnh lậu sau một lần quan hệ tình dục với đàn ông bị bệnh vào khoảng 60-80%.      
     - Viêm ống cổ tử cung là biểu hiện đầu tiên của bệnh lậu nữ. Niệu đạo cũng bị nhiễm lậu cầu (70-90%). Các tuyến Skène và Bartholin cũng thường bị nhiễm trùng. Thời gian ủ bệnh của bệnh lậu ở nữ là không rõ ràng nhưng thông thường trong khoảng 10 ngày. Các triệu chứng thường thấy là ra khí hư nhiều, tiểu khó, ra máu giữa kỳ kinh, rong kinh... Bệnh nhân có thể có đơn độc một triệu chứng hoặc có nhiều triệu chứng. Biểu hiện các triệu chứng có thể rất nhẹ hoặc rầm rộ. Khi khám có thể không thấy biểu hiện bất thường ở cổ tử cung, nhưng nhiều bệnh nhân cổ tử cung ra mủ hoặc mủ nhày, đỏ và phù nề vùng ngoài cổ tử cung và khi chạm vào rất dễ chảy máu. Khi khám có thể thấy mủ ở niệu đạo, các tuyến quanh niệu đạo, tuyến Bartholin.     
     - Bệnh lậu ở phụ nữ có thai không khác bệnh lậu ở phụ nữ không có thai. Tuy nhiên, có thể nhận thấy phụ nữ có thai ít bị viêm tiểu khung hơn và hay gặp lậu hầu họng hơn. Các biến chứng thường xảy ra ở phụ nữ có thai là sảy thai tự nhiên, vỡ ối sớm, đẻ non, viêm cấp màng ối rau, viêm kết mạc mắt trẻ sơ sinh, viêm hầu họng...
     - Viêm âm hộ do lậu ở trẻ em gái: có thể gặp ở bé gái bị hiếp dâm, do dùng chung khăn, chậu bị nhiễm lậu khi vệ sinh bộ phận sinh dục. Biểu hiện lâm sàng: âm hộ viêm đỏ có mủ vàng xanh kèm theo đái buốt.
3.3  Nhiễm trùng hậu môn-trực tràng
     Nhiễm trùng hậu môn gặp tỷ lệ 35-50% phụ nữ bị viêm cổ tử cung do lậu và thường gặp ở người tình dục đồng giới nam. Viêm trực tràng ít gặp hơn. Triệu chứng có thể biểu hiện như ngứa hậu môn, chảy dịch mủ nhày ở hậu môn nhưng không đau, đôi khi thấy chảy máu trực tràng, có thể nặng như viêm trực tràng, biểu hiện đau, mót rặn và có thể tiêu chảy, đi ra chất nhày hoặc mủ, táo bón. Khám thấy hậu môn đỏ, có mủ nhày, soi hậu môn có nhày hoặc mủ, đỏ, phù nề, niêm mạc dễ chảy máu.
3.4 Nhiễm trùng hầu họng
Có tới trên 90% trường hợp không triệu chứng. Biểu hiện viêm hầu họng, viêm amiđan cấp, đôi khi có sốt và sưng hạch vùng cổ.
3.5 Nhiễm trùng các cơ quan khác
     - Viêm kết mạc mắt hiếm gặp ở người lớn và do tự lây nhiễm lậu cầu từ sinh dục-hậu môn, do dùng chung khăn chậu với bệnh nhân. Một số trường hợp có thể xảy ra ở nhân viên phòng xét nghiệm do tai biến nghề nghiệp.
     - Nhiễm trùng da tiên phát do lậu có thể xảy ra và thường là các vết loét ở sinh dục, tầng sinh môn, đùi và ngón tay.
     - Lậu mắt ở trẻ sơ sinh. Bệnh thường xuất hiện sau đẻ 1 - 3 ngày. Có thể bị một hoặc cả hai mắt. Mắt sưng nề không mở được, có rất nhiều mủ từ mắt chảy ra, kết mạc, giác mạc viêm đỏ và có thể loét.
 3.6 Các biến chứng của bệnh lậu
3.6.1. Biến chứng tại chỗ ở nam
     Biến chứng thường gặp nhất là viêm mào tinh hoàn. Trước khi có kháng sinh trị liệu có hiệu quả, tỷ lệ biến chứng này khoảng 20% số bệnh nhân lậu. Hiện nay, viêm mào tinh hoàn thường do Chlamydia trachomatis hơn là do lậu,  hoặc phối hợp hai tác nhân này. Biểu hiện sưng một bên bìu, đau và thường có viêm niệu đạo. Viêm bạch mạch hiếm gặp. Chít hẹp niệu đạo và áp xe quanh niệu đạo ngày nay rất hiếm do viêm-áp xe tuyến Littre. Các biến chứng hiếm gặp là viêm túi tinh, viêm tuyến tiền liệt.
3.6.2 Biến chứng tại chỗ ở nữ
     Biến chứng thường gặp nhất là viêm cấp vòi trứng hay viêm tiểu khung chiếm khoảng 10-20% trường hợp lậu cấp. Viêm vòi trứng là biến chứng hay gặp nhất của bệnh lậu và là vấn đề quan trọng nhất về mặt y tế cộng đồng vì đây có thể là bệnh lý cấp tính, đồng thời để lại những hậu quả lâu dài như vô sinh, chửa ngoài tử cung, đau tiểu khung mạn tính. Biểu hiện là đau bụng dưới, đau khi giao hợp, rối loạn kinh nguyệt, ra máu giữa kỳ kinh ...Khám thấy bụng dưới, tử cung, phần phụ đau, di động cổ tử cung đau, dịch nhày hoặc mủ nhày cổ tử cung, đôi khi có đám áp xe phần phụ và vòi trứng-buồng trứng. Bệnh nhân có thể sốt, tăng bạch cầu, tăng tốc độ lắng máu, tăng protêin phản ứng C (C-reactive protein)... Xét nghiệm tìm lậu cầu chỉ thấy ở khoảng 50% trường hợp. Viêm tiểu khung do lậu thường cấp tính hơn và xuất hiện sớm hơn viêm tiểu khung do các tác nhân khác.
Áp xe tuyến Bartholin  gặp khoảng 28% số bệnh nhân lậu nữ. Viêm-áp xe tuyến Skène hiếm gặp.
3.6.3 Biến chứng toàn thân
     - Nhiễm lậu cầu toàn thân (Disseminated Gonococcal Infection-DGI) là biến chứng hay gặp nhất của biến chứng lậu toàn thân, gặp khoảng 0,5-3% trong số bệnh nhân lậu cấp không điều trị. Một số tác giả gọi là Hội chứng viêm da-khớp vì biểu hiện lâm sàng là đau khớp và có biểu hiện ngoài da. Biểu hiện da gặp khoảng 5-7% của DGI và ở đầu chi với số lượng thương tổn thường <30. Thương tổn hay gặp nhất là mụn mủ hoại tử đau trên nền da đỏ nhưng cũng có thể là dát, sẩn, mụn mủ đơn thuần, xuất huyết, bọng nước. Đau khớp hoặc viêm gân bao hoạt dịch xảy ra ở các khớp gối, cổ tay, khớp cổ chân và khớp ngón tay, ngón chân. DGI hay gặp ở nữ hơn nam và thường hay xảy ra sau 1 tuần khi có kinh. Một số yếu tố thuận lợi cho DGI xảy ra là có thai và lậu hầu họng. Có thể tìm thấy lậu cầu trong máu, dịch khớp, thương tổn da vào khoảng 50% trường hợp. Khoảng 80% bệnh nhân DGI phân lập được lậu cầu ở hậu môn- sinh dục hoặc họng hoặc từ bạn tình của họ.
     - Biểu hiện nhiễm trùng huyết do lậu đôi khi khó xác định về lâm sàng, xét nghiệm máu nuôi cấy tìm lậu cầu cũng khó khăn, tỷ lệ dương tính chỉ khoảng 20-30%.
     - Viêm màng não và viêm màng tim do lậu (Gonococcal Endocarditis and Meningitis). Tỷ lệ xảy ra trên bệnh nhân DGI rất thấp, chỉ khoảng 1-3%. Tuy nhiên, đây là biến chứng rất nặng,  có thể gây tổn hại van tim, thường là van động mạch chủ đe dọa tính mạng người bệnh.
 4. XÉT NGHIỆM
 4.1. Nuôi cấy
      Phân lập lậu cầu bằng nuôi cấy là tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh. Đồng thời nuôi cấy lậu cầu cũng xác định được kháng sinh sử dụng cho điều trị. Môi trường hiện nay thường dùng là Thayer-Martin có chứa Vancomycin. Tỷ lệ dương tính khi nuôi cấy lậu cầu trong môi trường chọn lọc hay không chọn lọc ở nam là khoảng 80-95% tuỳ theo vị trí lấy bệnh phẩm. Niệu đạo nam có tỷ lệ dương tính tới 100%, còn các nơi khác tỷ lệ thấp hơn: trực tràng, họng do lượng lậu cầu ở đó ít. Bệnh lậu ở nữ khi nuôi cấy lậu cầu bệnh phẩm cổ tử cung trong môi trường chọn lọc cho kết quả dương tính 80-90%. Các vị trí khác cho kết quả thấp hơn: niệu đạo, các tuyến, hậu môn, họng.
4.2. Nhuộm Gram
     Khi thấy song cầu Gram âm điển hình nằm trong hay sát bên bạch cầu đa nhân thì có thể kết luận dương tính. Tuy nhiên, nếu chỉ thấy song cầu nằm ngoài bạch cầu hoặc  hình thái song cầu không điển hình nằm trong bạch cầu đa nhân thì phải kiểm tra lại.
     Đối với bệnh nhân nam, nhuộm Gram dịch niệu đạo có thể đủ chẩn đoán bệnh lậu, nhưng đối với bệnh nhân nữ thì cần phải nuôi cấy.
4.3. PCR (polymerase chain reaction) là kỹ thuật mới có độ đặc hiệu và độ nhạy cao.
5. CHẨN ĐOÁN
 5.1 Chẩn đoán xác định
     - Tiền sử quan hệ tình dục với người bị bệnh,
     - Lâm sàng.
     - Xét nghiệm:
      + Nhuộm Gram thấy song cầu Gram (-) trong bạch cầu đa nhân trung tính.
      + Nuôi cấy.
      + PCR (Polymerase Chain Reaction) với lậu cầu (+).
5.2. Chẩn đoán phân biệt: cần chẩn đoán phân biệt với tất cả các nhiễm trùng đường tình dục, bao gồm các bệnh sau:
     - Nhiễm Chlamydia trachomatis: Là căn nguyên thường gặp nhất trong các bệnh LTQĐTD có tỷ lệ đồng nhiễm với lậu khoảng 30%.  Thời gian ủ bệnh dài, trung bình từ 1 - 3 tuần. Nam thường có nóng rát ở niệu đạo, thường ra mủ nhày số lượng ít hoặc ra dịch nhày ở miệng sáo. Đái buốt thường ít gặp mà bệnh nhân thấy ngứa, dấm dứt ở niệu đạo. Ở nữ biểu hiện lâm sàng thường kín đáo. Có thể gặp đái buốt, đát dắt, tiết dịch âm đạo.
Các xét nghiệm:
     + Xét nghiệm soi tìm lậu cầu âm tính
     + Miễn dịch sắc ký
     + ELISA
     + PCR với Chlamydia
     - Trùng roi âm đạo (Trichomonas vaginalis)
     Thường gây viêm âm đạo với các triệu chứng:
     + Ngứa, khí hư âm đạo.
     + Khám âm đạo nhiều khí hư lỏng, có nhiều bọt nhỏ.
    Trùng roi cũng có thể gây viêm niệu đạo ở nam giới nhưng triệu chứng kín đáo hơn. Có đái buốt, ít mủ nhày.
     +  Xét nghiệm: soi tươi tìm trùng roi.
     - Nấm Candida âm hộ- âm đạo:
     - Nam: hiếm gặp viêm niệu đạo do candida, triệu chứng thường kín đáo, không rõ ràng. Có thể thấy ít dịch nhày ở miệng sáo, ngứa, thường là viêm quy đầu- bao da quy đầu. Lây truyền do quan hệ với bạn tình bị nhiễm nấm âm đạo.
     - Nữ: biểu hiện triệu chứng khí hư nhiều, màu trắng như váng sữa (đặc và bột). Khám thấy khí hư nhiều, bám vào thành âm đạo. Đây là bệnh nhiễm nấm nội sinh do những thay đổi tại chỗ hoặc bệnh lý toàn thân tạo điều kiện cho nấm phát triển và gây bệnh. Các bệnh nhân có suy giảm miễn dịch, rối loạn hoặc thay đổi nội tiết (đái tháo đường, có thai), vệ sinh kinh nguyệt không tốt, sau hút điều hòa kinh nguyệt, nạo phá thai, thủ thuật tiết niệu, sinh dục, thay đổi pH âm đạo làm các chủng nấm cộng sinh trở nên gây bệnh.
    - Xét nghiệm:      
    + Soi nấm thấy bào tử nấm + giả sợi
    + Cấy nấm định loại trên môi trường Sabouraud
     - Viêm niệu đạo-sinh dục do Ureaplasma, Mycoplasma
     Hai loại vi khuẩn này thường gây nhiễm trùng sinh dục có biểu hiện gần giống nhiễm C. trachomatis.  Chúng thuộc nhóm gây viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung không do lậu và không do Chlamydia.
 6.      ĐIỀU TRỊ
     Nguyên tắc điều trị:
     - Điều trị đồng thời nhiễm Chlamydia.
     - Điều trị sớm
     - Điều trị đúng phác đồ
     - Điều trị cả bạn tình.
     - Tuân thủ chế độ điều trị: không quan hệ tình dục, không uống rượu bia và chất kích thích, không làm thủ thuật tiết niệu trong thời gian điều trị.
     - Xét nghiệm huyết thanh giang mai và HIV trước và sau khi điều trị để phát hiện sàng lọc hai bệnh này.
     Phác đồ
    - Cefixime 400 mg, uống liều duy nhất, hoặc
    - Ceftriaxone 250 mg, tiêm bắp liều duy nhất, hoặc
    - Spectinomycin 2, g tiêm bắp liều duy nhất.
Chú ý:
     Ở Việt Nam, một số vùng lậu cầu kháng lại các kháng sinh thuộc nhóm Quinolone, Penixilin, Kanamycin.
     Phối hợp điều trị Chlamydia 
     Lựa chọn đầu tiên:
     - Azithromycin 1 g, uống liều duy nhất, hoặc
     - Doxycycline 100 mg, uống 2 lần/ngày, trong 7 ngày
     Các lựa chọn khác:
     - Tetracycline 500 mg, uống 4 lần/ngày, trong 7 ngày, hoặc
     - Amoxycillin 500 mg, uống 3 lần/ngày, trong 7 ngày, hoặc
     - Erythromycin 500 mg, uống 4 lần/ngày trong 7 ngày.
Chú ý:
     - Erythromycin nên uống sau ăn.
     - Doxycycline, tetracycline không được dùng cho trẻ dưới 7 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú.
     - Ofloxacin không được dùng cho trẻ dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú.